Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi

TPO -“Bước đột phá trong điều trị bước 1 ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa EGFR” là chủ đề hội thảo khoa học do Hoffmann La Roche, và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Các chuyên gia hàng đầu về ung thư phổi của Việt Nam và thế giới đã đến tham dự.
Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến nhất và nguy cơ tử vong cao trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Globocan, ung thư phổi chiếm 13% tổng số ca bệnh mới được chẩn đoán và 18.2% ca tử vong trong biểu đồ các bệnh ung thư toàn cầu năm 2008. Căn bệnh này đang gia tăng đáng kể ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về xuất độ cũng như tử xuất của các loại ung thư hàng năm với cả hai giới nam và nữ.
Ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Mỗi loại phát triển theo những cách khác nhau và hướng điều trị cũng khác nhau. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) chiếm khoảng 80% tổng số ca bệnh ung thư phổi.
GS - BS. Fillippo De Marinis, Giám đốc Trung tâm Ung thư - Hô hấp thuộc Bệnh viện San Camillo & Forlanini (Italia) đến Việt Nam tham dự hội thảo khoa học “Bước đột phá trong điều trị bước 1 ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa EGFR”, cho rằng: “UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng thêm với mức độ ác tính mạnh hơn và thời gian sống của bệnh nhân ngắn hơn cũng như đáp ứng với hóa trị liệu thông thường kém hơn".
"Mặt khác các nghiên cứu về sinh học phân tử cũng chỉ ra rằng đột biến hoạt hóa EGFR cũng sẽ làm cho đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế tyrosine kinase của EGFR hay còn gọi là các TKI sẽ tốt hơn".
"Do vậy cần phải tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân UTPKTBN, và nếu kết quả xét nghiệm dương tính nghĩa là có các đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ có đủ điều kiện sử dụng thuốc erlotinib để điều trị bước 1 UTPKTBN giai đoạn tiến xa hoặc di căn”.
Việc điều trị UTPKTBN ở giai đoạn tiến xa trước đây vẫn thường được biết đến với phương pháp hóa trị, hoặc xạ trị. Tuy nhiên, các phương pháp này có một số hạn chế như thời gian sống của bệnh nhân thường ngắn, thông thường dưới 1 năm và chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì người bệnh phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ của các thuốc gây độc tế bào, đặc biệt là các tác dụng phụ trên tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu, chảy máu và giảm sức đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến các bội nhiễm, như nhiễm khuẩn huyết làm cho bệnh nhân sớm tử vong...
Tại Việt Nam, theo báo cáo “Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa bằng erlotinib” của nhóm các bác sĩ thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong khoảng thời gian 2008 - 2010 đã cho thấy hiệu quả đáp ứng cao của các bệnh nhân UTPKTBN khi được điều trị bằng erlotinib, phương pháp điều trị nhắm trúng đích tác dụng rõ rệt trên bệnh nhân UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR. Theo đó, tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều có đáp ứng tốt, các triệu chứng đau đớn thuyên giảm sau 1 đến 2 tuần dùng thuốc, trong đó các triệu chứng ho, đau và khó thở giảm rõ rệt nhất.
TS - BS. Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện K, Hà Nội cho rằng, với sự phát triển của y học, cơ hội kéo dài sự sống cho những bệnh nhân UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR đã mở ra bằng phương pháp điều trị với erlotinib, phương pháp này được đánh giá như một chuẩn mực mới trong điều trị UTPKTBN giúp bệnh nhân sống vui, khoẻ vì tránh được rất nhiều tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc hóa trị thông thường.


Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

kỹ thuật cấy ghép tử cung

Chín phụ nữ ở Thụy Điển đã nhận thành công tử cung cấy ghép tặng từ người thân trong một quy trình thử nghiệm đã làm dấy lên một số vấn đề đạo đức.
Tranh cãi về kỹ thuật cấy ghép tử cung
Trong ngày 4 tháng 4 năm 2012, hình ảnh được cung cấp bởi Đại học Goteborg Thụy Điển, nhóm nghiên cứu của Thụy Điển thực hành trước các hoạt động cấy ghép tử cung tại Bệnh viện Sahlgrenska ở Goteborg, Thụy Điển.
“Chúng tôi không có giáo trình để tham khảo”
Những người phụ nữ được sinh ra mà không có tử cung hoặc họ đã cắt bỏ vì ung thư cổ tử cung. Hầu hết họ đều trong độ tuổi 30 và là một phần của cuộc thử nghiệm quan trọng đầu tiên để kiểm tra tính khả thi trong cấy ghép tử cung vào phụ nữ để họ có thể sinh con.
Ở nhiều nước châu Âu, bao gồm Thụy Điển, cấm mang thai hộ.
Sự cấy ghép các cơ quan như tim, gan và thận đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ và các bác sĩ đang gia tăng việc cấy ghép tay, khuôn mặt và các bộ phận khác của cơ thể để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân . Cấy ghép tử cung - những ca đầu tiên với ý định chỉ là tạm thời, chỉ cần cho việc sinh sản - thúc đẩy lĩnh vực này xa hơn và nâng cao một số quan tâm mới.
Trước đây đã có hai ca phẫu thuật cấy ghép tử cung tại Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia nhưng người bệnh không thể sinh con được. Các nhà khoa học tại Anh, Hungary và nhiều nơi khác cũng đã có kế hoạch tương tự nhưng những nỗ lực tại Thụy Điển là thành công nhất.
“Đây là một loại phẫu thuật mới”, bác sĩ Mats Brannstrom phát biểu với The Associated Press trong một cuộc phỏng vấn từ Goteborg ( Thụy Điển), “Chúng tôi không có giáo trình để tham khảo”.
Vấn nạn đạo đức
Một số chuyên gia đã dấy lên mối quan tâm về vấn đề đạo đức khi sử dụng những người hiến tặng còn sống cho một quy trình thử nghiệm thuần túy chứ không phải để cứu sống bệnh nhân.
Nhưng John Harris, một chuyên gia nghiên cứu về sự lựa chọn đạo đức và luân lý trong y học và trong trị liệu tại Đại học Manchester (Anh ), nói không có vấn đề gì, miễn là người hiến tặng được thông báo đầy đủ.
Ông cho biết hiến tặng thận không nhất thiết để cứu sống người khác và việc hiến tặng này đang được đẩy mạnh rộng rãi.
“Chạy thận bằng máy cũng được nhưng chúng tôi chấp nhận và thậm chí khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro để tặng một quả thận cho người bệnh”, ông nói.
Cháy lên hy vọng cho người hiếm muộn
Kỹ thuật cấy ghép này không nối tử cung của người bệnh với ống dẫn trứng nên không thể thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, những người nhận tử cung đều có buồng trứng riêng, có thể tạo ra trứng. Trước ca phẫu thuật, trứng của những người này đã được lấy ra để tạo phôi trong ống nghiệm.
Các em bé có khỏe mạnh không?
Các chuyên gia ca ngợi dự án đầy ý nghĩa nhưng nhấn mạnh việc chưa biết liệu việc cấy ghép tử cung sẽ tạo ra được các em bé khỏe mạnh hay không.
Kỹ thuật được sử dụng ở Thụy Điển, bằng cách sử dụng những người hiến tặng còn sống, gây một chút tranh cãi. Ở Anh, bác sĩ cũng lập kế hoạch để thực hiện cấy ghép tử cung, nhưng chỉ sử dụng tử cung từ những người sắp chết hoặc đã chết.
Đó cũng là trường hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố bệnh nhân của họ đã mang thai nhưng thất bại sau hai tháng. Mats đã làm một điều gì đó tuyệt vời và chúng tôi hoàn toàn hiểu lý do tại sao ông lại đi theo con đường này, nhưng chúng tôi thận trọng với cách tiếp cận đó", bác sĩ Richard Smith, người đứng đầu tổ chức từ thiện Vương quốc Anh nói.
Smith cho biết câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để tử cung mới mang thai. "Mối quan tâm chính đối với tôi là liệu các em bé sẽ nhận được đủ dinh dưỡng từ nhau thai và lưu lượng máu đủ tốt hay không", ông nói.
Các bác sĩ tại Saudi Arabia đã thực hiện cấy ghép tử cung đầu tiên vào năm 2000, bằng cách sử dụng một người hiến tặng sống, nhưng nó bị đào thải sau ba tháng vì một cục máu đông.
Các chuyên gia nói rằng nếu các phẫu thuật thành công, cấy ghép tử cung có thể là một giải pháp thay thế cho những phụ nữ hiếm muộn.
Brannstrom cảnh báo các cấy ghép có thể không dẫn đến kết quả sinh sản nhưng vẫn giữ lạc quan.
"Đây là một đề tài nghiên cứu," ông nói. "Nó có thể dẫn đến việc phụ nữ mang thai và sinh con, nhưng không có bảo đảm... những gì chắc chắn là các bác sĩ đang đóng góp cho khoa học.
Theo Thanh Ngân
AP/Một thế giới

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Quan hệ dễ dãi, bé gái 14 tuổi không biết bố của con

Trần Đặng Nguyên và Võ Thành Tâm bị phạt 2 năm tù vì tội giao cấu với cháu L (14 tuổi). Tuy nhiên, sau khi giám định ADN, cái thai trong bụng L lại không phải con của Tâm và Nguyên.

Chiều 11/3, TAND TX Sông Cầu (Phú Yên) tuyên phạt bị cáo Trần Đặng Nguyên (27 tuổi) và Võ Thành Tâm (24 tuổi cả hai đều trú ở xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), mỗi bị cáo hai năm tù về tội giao cấu với người chưa thành niên. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên phạt hai bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường 22 triệu đồng danh dự nhân phẩm cho cháu N.T.M.L.
Theo cáo trạng truy tố, từ tháng 8 đến tháng 12/2011, tại nhà cháu L ở xã Xuân Lâm, Trần Đặng Nguyên và Võ Thanh Tâm mỗi người đã thực hiện một lần giao cấu với L khi cháu chưa đầy 14 tuổi dẫn đến việc mang thai, rồi sinh con ngoài ý muốn.
Sau đó con của cháu L ra đời, Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng giám định ADN và kết luận: “Gen bé trai con của L không trùng gen của Võ Thanh Tâm hoặc gen của Trần Đặng Nguyên. Vì vậy, Nguyên và Tâm không phải là cha đẻ của cháu bé do L vừa sinh ra”.
Trước đó, TAND TX Sông Cầu ba lần trả hồ sơ cho Viện KSND TX Sông Cầu để điều tra bổ sung về mốc thời gian mà bị cáo Nguyên và Tâm khai nhận có quan hệ với bé L lần đầu tiên và làm rõ lời khai của bé L cho rằng mình bị cưỡng hiếp chứ không đồng thuận quan hệ tình dục.
Đồng thời, xem xét lại yêu cầu của gia đình bị hại cho giám định lại ADN con đẻ của bé L. Tuy nhiên, điều tra bổ sung của Viện KSND Sông Cầu vẫn không có gì tiến triển.
Đồng thời, kết luận ba lần giám định ADN của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng đều xác định gen bé trai con của L không trùng gen của Võ Thanh Tâm hoặc gen của Trần Đặng Nguyên.
Ảnh minh họa: Internet
Theo An ninh thủ đô

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Phương pháp tách chiết ADN từ xương người

Quy trình kỹ thuật tách chiết ADN từ xương người cũng giống như tách chiết ADN từ mô và tế bào đều đòi hỏi phải ly giải được mẫu. Vì xương có bề mặt rất rắn chắc rất khó phá vỡ cho nên các qui trình tách xương đòi hỏi mẫu phải được nghiền nhỏ. Ngoài ra, việc nghiền mẫu rất khó và đôi khi không khả thi, kỹ thuật công nghệ sinh học mới cho phép dùng các ống sử dụng áp lực để chiết xuất ADN từ những mảnh xương nhỏ

Khử trùng
Như bất kỳ một bước khởi đầu bất kỳ của các loại tách chiết ADN, việc khử trùng mẫu được thực hiện để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mẫu chéo. Bề mặt của mẫu xương cần được xử lý ban đầu bằng thuốc tẩy và nước cất. Ngoài ra tất cả các dụng cụ sử dụng phải được khử trùng bằng nồi hấp nhiệt. Đối với các dụng cụ lớn hơn mà không thể hấp khử trùng dùng thuốc tẩy và cồn làm sạch bề mặt mà mẫu tiếp xúc. Pipet và các dụng cụ xử lý mẫu cần thao tác trong tủ hút sạch.
Phương pháp nghiền mẫu
Các mẫu xương sau khi được làm sạch bằng thuốc tẩy và nước cất, bề mặt ngoài của xương được mài sạch. Quá trình này sẽ loại bỏ những chất lẫn bám trên bề mặt xương và giúp tiếp xúc với một số mô xương mềm cần thiết cho việc tách chiết ADN. Các mẫu xương sau đó được nghiền thành bột. Cần sử dụng 750mg bột xương và 1.6 ml dung dịch đệm phân giải. Theo một phương pháp công bố trong một nghiên cứu về axit Nucleic dung dịch đệm phân giải gồm EDTA 0,1M, dung dịch muối và proteinaaseK. Hỗn hợp này cho ủ qua đêm ở 370C để phân giải tối ưu mẫu xương để giải phóng ADN.
Sau khi ủ qua đêm, các mẫu được ly tâm tốc độ cao để loại bỏ các tạp chất không cần thiết. Loại bỏ cặn lắng, bổ sung thêm muối amoni acetat và tủa ADN ở pha trên trong cồn tinh khiết để kết tủa ADN. Quá trình này thực hiện và ủ hỗn hợp trong đá lạnh để tối ưu hiệu suất tủa ADN. Hỗn hợp sau đó được ly tâm, loại bỏ dịch, thu và hòa tan ADN trong nước khử ion.
Phương pháp không nghiền xương thành bột
Một công ty công nghệ sinh học có tên Pressure BioSciences Inc đã tạo ra một phương pháp mới để tách chiết ADN từ xương mà không cần phải nghiền xương thành bột. Phương pháp này sử dụng công nghệ (PCT) chiết xuất ADN. Với công nghệ này có thể loại được sự lây nhiễm chéo thường xảy ra do sử dụng chung một máy nghiền cho các mẫu xương khác nhau. Tương tự như phương pháp nghiền xương thành bột các mẫu xương vẫn được khử trùng nhưng sau đó cắt thành các mảnh nhỏ khoảng 250mg để phù hợp các ống trong công nghệ dùng áp lực.
Quang Vinh (Công ty CPDV Phân tích di truyền – Gentis)
Từ điển Nguồn: www.ehow.com

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

CHÚC TẤT CẢ PHỤ NỮ TRÊN THẾ GIỚI MỘT NGÀY 8/3 THẬT VUI VẺ HẠNH PHÚC


THẺ ADN CÁ NHÂN- THẺ CHỨNG MINH THƯ CHÍNH XÁC NHẤT

Mỗi cá nhân đều có một bộ gen di truyền hoàn toàn khác biệt với hơn 7 tỷ người còn lại trên thế giới. Không thể có hai cá nhân ở bất kỳ đâu trên trái đất này có chung một bộ gen di truyền (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng).

I. Mục đích:
Mỗi cá nhân đều có một bộ gen di truyền hoàn toàn khác biệt với hơn 7 tỷ người còn lại trên thế giới. Không thể có hai cá nhân ở bất kỳ đâu trên trái đất này có chung một bộ gen di truyền (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng).
Khi sử dụng bộ kit 16 locut gen loại Identifiler (Mỹ) là bộ kit phổ biến trong tất cả các phòng thí nghiệm Hình sự trên thế giới, bạn có thể sử dụng kết quả phân tích ADN của bạn khi phân tích tại phòng thí nghiệm Gentis để so sánh với kết quả phân tích ADN của người thân (cha, mẹ, con) được phân tích tại Mỹ (hoặc bất kỳ nước nào khác trên thế giới) để so sánh quan hệ huyết thống.
II. Ý nghĩa của thẻ ADN cá nhân:
Dễ dàng tìm kiếm quan hệ huyết thống và quan hệ họ hàng của người mang thẻ ADN.
Bảo vệ quyền thừa kế hợp pháp của bạn.
Tránh việc bị khai quật nhằm xác định lại danh tính hay quan hệ huyết thống chẳng may người đó qua đời. Làm thẻ hồ sơ DNA là cần thiết trong tương lai.
Tránh những tổn thất không mong muốn do khó khăn trong việc nhận dạng với những người làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao xảy ra các tai nạn như: bị bắt cóc, tai nạn lao động,....

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Việt Nam - Giải mã thành công bộ gen người

Bằng những công nghệ và phương pháp tính toán hiện đại với độ chính xác cao, các nhà khoa học của Đại học QGHN đã tiến hành xây dựng và phân tích thành công hệ gen của cá thể người Việt. Kết quả phân tích được so sánh với hệ gen chuẩn của người và thấy gần như toàn bộ hệ gen chuẩn của người được bao phủ bởi dữ liệu hệ gen cá thể người Việt. Thành tựu này đã đưa Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia trên thế giới xây dựng thành công hệ gen người.


Thành tựu đáng tự hào

Từ cuối năm 2013, nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Công nghệ, Đại học QGHN do TS. Lê Sỹ Vinh - Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu trọng điểm về Tin - Sinh - Dược của Đại học QGHN với đề tài “Xây dựng và phân tích hệ gen một người Việt” đã nhận được dữ liệu hệ gen của một người bao gồm hơn 108 tỉ nucleotide. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng và phân tích hệ gen của cá thể người Việt bằng những công nghệ và phương pháp tính toán hiện đại, có độ chính xác cao, thực hiện trên hệ thống máy tính của trường ĐH Công nghệ, Đại học QGHN và trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Kết quả phân tích được so sánh với hệ gen chuẩn của người cho thấy gần như toàn bộ hệ gen chuẩn của người được bao phủ bởi dữ liệu hệ gen cá thể người Việt.

“Hệ gen của cá thể người Việt chứa hơn 3 triệu biến đổi đa hình đơn (SNP) so với hệ gen tham chiếu của người. Nhiều biến đổi là mới và chỉ tìm thấy ở hệ gen của cá thể người Việt. Các kết quả phân tích cũng phát hiện một số biến đổi mới khác liên quan đến cấu trúc”, TS. Lê Sỹ Vinh cho biết.

Được biết, hệ gen người gồm hơn 3 tỉ nucleotide mang toàn bộ thông tin di truyền quyết định đến hình dáng, sức khỏe và sự phát triển của con người. Hệ gen chuẩn của người được xây dựng cơ bản xong vào năm 2001 với chi phí khoảng 3 tỉ USD và được tiến hành trong 15 năm. Đây được coi là một trong các bước đột phá khoa học quan trọng nhất của thế kỉ 21.

Việc xây dựng và phân tích được hệ gen người Việt trên cho thấy, các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu làm chủ được quy trình, cũng như các phương pháp tính toán hiện đại để từng bước thực hiện các dự án liên quan đến hệ gen nói chung và hệ gen người nói riêng.

Đây là bước đi đầu tiên để Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án hệ gen tiếp theo. Kết quả nghiên cứu là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực hiện các dự án nghiên cứu về sự đa dạng sinh học cũng như mối quan hệ giữa các chủng người Việt, hay với các chủng người khác ở châu Á và thế giới.

“Việc xây dựng thành công hệ gen cá thể người Việt là minh chứng cho thấy chúng ta không chỉ nghe, nhìn mà đã chạm vào được lĩnh vực tưởng như khó với tới”, Phó Giám đốc Đại học QGHN Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Mở ra tương lai mới…

Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty “Battelle Technology Partnership Practice”, 10 năm vừa qua, hệ gen người đã tạo ra giá trị kinh tế khoảng 796 tỉ USD cho nước Mỹ. So sánh với tổng chi phí 5,6 tỉ USD đã đầu tư cho đến năm 2010 để nghiên cứu và hoàn thiện hệ gen người, lợi nhuận kinh tế thu lại là hết sức ấn tượng (gấp 141 lần). Đây là một trong các đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế lớn nhất từ trước đến nay cho nước Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, trước đây, nghiên cứu và ứng dụng các hệ gen người chỉ là công việc của các nước phát triển. Hiện nay, công nghệ giải trình tự hệ gen thế hệ mới với chi phí thấp đã hình thành, biến ước mơ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan đến hệ gen người của nhiều quốc gia trở thành hiện thực.

“Việc xây dựng và phân tích hệ gen người có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là y học, dược học, công nghệ sinh học và nhân chủng học, đồng thời thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia. Đặc biệt như các nghiên cứu phân tích gen để đưa ra cảnh báo, phòng ngừa và điều trị sớm, phát triển các các phương pháp điều trị và chữa bệnh hướng đến từng cá nhân”, ông Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Thời gian tiếp theo, các nhà khoa học tiếp tục triển khai những nghiên cứu giải quyết bài toán hệ gen của 3 người (bố, mẹ, con). Bên cạnh đó, những nhóm nghiên cứu có thế mạnh sẽ tập trung giải quyết những bài toán cụ thể như cơ chế một số bệnh ung thư, từ đó giúp tìm ra các loại thuốc phù hợp tương thích với từng bản đồ gen. Vì đây là một lĩnh vực liên ngành và cũng là thế mạnh của Đại học QGHN thì những kết quả khởi đầu này sẽ là nền tảng để tiếp tục triển khai những nghiên cứu ứng dụng trong y học, trong điều trị và những nghiên cứu ở trình độ cao hơn. 
                                                                                                                         trích báo An Ninh Thủ Đô


Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

2 tháng tuổi cũng dậy thì

Ở cái tuổi nói năng còn chưa sõi, đi lại còn cần người ẵm, người bồng thế nhưng một số bé đã có những biểu hiện dậy thì rõ rệt khiến các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang.

Bé 2 tuổi ngực nở, có kinh

Trường hợp bé gái Đ.K.H (sinh tháng 2/2009, Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) có tuyến vú phát triển và có kinh nguyệt hơn 1 năm nay khiến gia đình và giới y khoa không khỏi ngạc nhiên. Chị N. (28 tuổi), mẹ bé H. cho biết trên Tuổi trẻ, vào năm ngoái ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vú của bé, gia đình chị đã đưa bé đi khám tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Dù được cho thuốc uống nhưng tình hình không có gì biến chuyển. Đến tháng 5/2011, vùng âm đạo của bé đột nhiên ra một ít máu, kéo dài 2 ngày như đến ngày đèn đỏ.

Quay trở lại BV làm các xét nghiệm, các kết quả cho thấy não bé H. phát triển bình thường, tuy nhiên nang buồng trứng trái và tử cung lớn hơn so với trước, gan bị nhiễm mỡ. Theo chẩn đoán của các bác sĩ BV Nhi đồng 2, bé H. bị dậy thì sớm ngoại biên, chính nang buồng trứng hai bên là nguyên nhân chính gây ra bệnh dậy thì sớm, tuy nhiên cần phải xác định xem nang buồng trứng này là nguyên nhân thứ phát hay nguyên phát.

Trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thuý, phó khoa Thận-Nội tiết, BV Nhi Đồng 2 nhận định, trường hợp dậy thì của bé H. là trường hợp đặc biệt. Các kết quả chụp MRI não, test nội tiết tố đều chưa thể xác định được nguyên nhân, trong khi phần lớn những trường hợp dậy thì sớm khác đều có nguyên nhân gây bệnh từ não (với các trường hợp này, bác sĩ chỉ cần dùng thuốc ức chế 1 lần/tháng). Dự kiến cuối tháng này, bé H. sẽ tiếp tục lên BV Nhi đồng 2 tái xét nghiệm với sự tham gia trực tiếp của giáo sư người Úc chuyên về nội tiết tố nhi.

2 tháng tuổi cũng dậy thì

Trong khi phần lớn trẻ dậy thì ở tầm khoảng 13 tuổi, thì bé Đinh Thị Phương L. (sinh năm 2007, TP.Việt Trì, Phú Thọ) lại có những dấu hiệu dậy thì rõ rệt như ngực nở, bắt đầu từ tháng 6/2010 có kinh nguyệt đều đặn và kéo dài khoảng 4 ngày.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 7/2010, bố mẹ bé tiếp tục hoảng hốt khi phát hiện bé có lông mu. Đưa bé lên BV Nhi Trung ương, bé được kết luận bị chứng dậy thì sớm, mọi hoạt động của cơ thể vẫn bình thường, não bộ không có vấn đề gì. Những trường hợp dậy thì sớm ở độ tuổi như bé H., bé L. là rất hiếm, tuy nhiên những trường hợp dậy thì ở độ tuổi 6-8 tuổi không phải là cá biệt. Điển hình như trường hợp bé Nguyễn Thị V. (8 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh). Dù còn rất bé nhưng tuyến vú của cháu V. đã phát triển như người trưởng thành, núm vú thâm đen, phần lông mu phát triển.

Vào năm 2006, báo Tiền Phong từng dẫn lời bác sĩ Vũ Chí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết, BV Nhi Trung Ương cho biết trong gần 10 năm (1996-2005) BV đã khám và điều trị cho 71 trường hợp dậy thì sớm, trong đó trường hợp cháu nhỏ nhất là bé gái mới chỉ 2 tháng tuổi.

1 tuổi mọc ria, 6 tuổi có tinh dịch

Không chỉ có bé gái mắc bệnh dậy thì sớm, một số bé trai cũng có những biểu hiện dậy thì ngay từ khi còn rất nhỏ. Vào tháng 5 năm nay, tại Bình Chánh, TP.HCM phát hiện trường hợp bé trai N.L.M.T (31 tháng tuổi) nhưng đã có những biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành như bộ phận sinh dục phát triển, lông tay, lông chân và lông mu mọc dài, đen, gương mặt dần già đi và vỡ tiếng.

Dù đã đi khám tại nhiều nơi song các bác sĩ đều ngạc nhiên “Bệnh này tôi chưa từng gặp”. Khi được điều trị tại BV Nhi đồng 1, sau một thời gian, chứng bệnh của cháu T. đã giảm dần, cơ quan sinh dục không phát triển nữa, lông trên người đã rụng bớt. Trước đó, một bé trai 26 tháng tuổi (Hà Nội) cũng có những biểu hiện tương tự như mọc ria mép, giọng nói ồm ồm, phát triển cơ bắp và bộ phận sinh dục.

Vào năm 2010, báo điện tử Bee.net.vn cũng từng dẫn trường hợp dậy thì cá biệt của bé Hoàng Anh T. (6 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội). Dù còn rất nhỏ nhưng bé T. đã xuất hiện mụn trứng cá, nghĩ là do trời nóng, phát mụn nên bố mẹ không để ý. Chỉ đến khi tắm cho con, chị Nga (mẹ bé T.) mới hoảng hốt phát hiện dương vật của bé T. lớn hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Tiếp tục theo dõi, vợ chồng chị Nga phát hiện bé T. thường xuyên thủ dâm và có những biểu hiện khác lạ.

Bệnh nguy hiểm

Dậy thì sớm bệnh lý là tình trạng dậy thì xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi và ở bé trai trước 9 tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết, chuyển hoá, di truyền - BV Nhi Trung ương cho biết trên Bee.net.vn thì bệnh này được phân làm 2 loại: dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả.

Dậy thì sớm thật là do sự kích thích của não có nguyên nhân do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng…Dậy thì sớm giả vô căn hay còn gọi là không rõ nguyên, ở cháu gái là u nang buồng trứng, cháu nam do tăng sản thượng thận bẩm sinh. Các trường hợp dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần trẻ em do cơ thể phát triển quá nhanh so với sự phát triển của trí não, khiến trẻ cảm thấy xẩu hổ, lo lắng, bất an và có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra các bé gái dậy thì sớm có nguy cơ mắc các bệnh ung thư
 như: Ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng… cao hơn trẻ bình thường, còn trẻ nam có thể bị vô sinh.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, căn bệnh dậy thì sớm có xu hướng gia tăng khoảng 7-8 năm trở lại đây, có nguyên nhân chính là do trẻ em được ăn uống quá nhiều chất bổ, lười vận động. Ngoài ra chế độ ăn uống nhiều calorie, nhiều chất bổ cùng với việc lạm dụng nhiều thuốc bổ cũng có tác dụng làm thức dậy chức năng giới tính khiến trẻ dậy thì sớm. Sự tiếp xúc nhiều hơn và thường xuyên với văn hóa phim ảnh, đặc biệt là các phim tình cảm cũng khiến hàm lượng melatonin trong cơ thể suy giảm, thúc đẩy quá trình dậy thì của trẻ sớm hơn…

Vì vậy để sớm phát hiện bệnh, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên quan tâm, theo dõi sự phát triển của con cái mình, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ phải nhanh chóng đưa đi khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín. Tuỳ từng nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau. Trường hợp bệnh do một số khối u, các bác sĩ sẽ cắt bỏ. Đối với các trường hợp do nội tiết tố, việc điều trị chủ yếu làm chậm quá trình dậy thì và quá trình điều trị chỉ ngưng khi bé đạt độ tuổi khuyến cáo dậy thì (nam là 9 tuổi, nữ là 8 tuổi).
trích từ Vietnamnet 

Justin Bieber xét nghiệm ADN chứng minh "vô can"

Nam ca sĩ 17 tuổi cho biết đã sẵn sàng chấm dứt trò lố của Mariah Yeater và quyết định xét nghiệm ADN.
Theo thông tin được một số trang giải trí đăng tải ngày hôm nay, Justin đã thực hiện xét nghiệm ADN để chứng minh mình không phải là cha của cậu bé mà một fan nữ đã vu khống anh. TMZ đưa tin Justin đã thực hiện tuyên bố này tại một phòng xét nghiệm ở New Jersey hôm thứ 6 vừa qua.
Anh chàng có vẻ rất tự tin về kết quả khi vui vẻ đưa bạn gái xinh đẹp Selena Gomez đi ăn sáng nay tại Los Angeles. Tại lễ trao giải âm nhạc Mỹ American Music Awards hôm qua, Justin cũng ôm chặt cứng Selena và đã có những màn trình diễn ấn tượng, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt và đón nhận nhiệt tình.
Cuối tuần qua, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Justin Bieber và người quản lý tài năng của mình là Scooter Braun đã khẳng định rằng Justin hoàn toàn thấy thoải mái với việc làm xét nghiệm ADN. Cuộc xét nghiệm nhằm mục đích chấm dứt mọi rắc rối mà báo chí đã thông tin thời gian qua, qua những lời cáo buộc của cô nàng 20 tuổi Mariah Yeater.
"Cậu ấy không bận tâm. Cậu ấy không có gì khó khăn để đối mặt và hoàn toàn ổn", Scooter nói với phóng viên Maria Menounos của Extra. Và Justin bổ sung thêm: "Không vấn đề gì cả".
Quản lý của Justin muốn mọi người hiểu rằng một khi "họ vô cớ khiến chúng ta phải hành động để bảo vệ chính bản thân mình thì sẽ có những kết cục không mấy tốt đẹp với những hành động của họ".
Scooter thực sự còn đùa rằng: "Justin đang mang đứa con của tôi".
Amy (Theo Hollywoodlife)

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Đồng tính có thể do gen


Các nhà khoa học vừa phát hiện 2 đoạn ADN có liên quan đến hiện tượng đồng tính ở nam giới hay còn gọi là "gay".
Hai đoạn ADN được phát hiện có liên quan đến hiện tượng gay ở đàn ông. Ảnh minh họa: HealthPlus
Theo báo cáo nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên, uy tín của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học, các chuyên gia thuộc Đại học Chicago (Mỹ) đã tiến hành phân tích ADN của hơn 400 cặp đồng tính nam được lựa chọn trong các cuộc diễn hành của những lễ hội Gay Pride suốt nhiều năm qua.
Kết quả hé lộ, 2 đoạn ADN dường như có liên quan đến hiện tượng gay. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ, bao nhiêu trong số rất nhiều gen mà 2 đoạn ADN này chứa đựng giữ vai trò quyết định chủ chốt hoặc chúng có tác động như thế nào đến sự phát triển thiên hướng tình dục của đàn ông.
Tuy nhiên, công trình trên dường như đã ủng hộ một nghiên cứu gây tranh cãi năm 1993. Nghiên cứu cách đây 21 năm là công trình đầu tiên tìm kiếm "gen gay" và đã tạo ra một cơn bão tranh luận trong giới khoa học toàn thế giới, đặc biệt khi các nhà nghiên cứu khác không thể tìm ra bất kỳ mối liên hệ di truyền nào ở hiện tượng gay.
Nghiên cứu mới của Đại học Chicago đã tái khẳng định sự tồn tại của "gen gay" và cung cấp thêm bằng chứng hậu thuẫn quan điểm cho rằng, đồng tính là vấn đề sinh học, thay vì vấn đề lựa chọn của cá nhân. Nó cũng mở ra triển vọng về một dạng xét nghiệm di truyền được các công ty bảo hiểm sử dụng để phân biệt đối xử với khách hàng hoặc được các phụ nữ mang bầu sử dụng để loại bỏ những thai đồng tính.
Tuy nhiên, tiến sĩ Michael Bailey, một thành viên nhóm nghiên cứu, tuyên bố: "Mặc dù khám phá của chúng tôi một ngày nào đó có thể dẫn tới sự ra đời của một dạng kiểm tra thiên hướng tình dục nam giới trước sinh, nhưng nó sẽ không hoàn toàn chính xác vì vẫn tồn tại những yếu tố khác ảnh hưởng tới kết quả".
Dẫu vậy, ông Bailey không phản đối việc phát triển một dạng kiểm tra thiên hướng tình dục thai nhi trước sinh như trên. Theo ông, do cha mẹ hiện có thể chọn chấm dứt việc mang thai ở giai đoạn đầu, nên họ cần được phép biết càng nhiều thông tin về đứa trẻ chưa ra đời càng tốt.
Nhà tâm lý học Qazi Rhaman đến từ trường King’s College London  (Anh) nhận định, do các gen được cho là kiểm soát tới 40% thiên hướng tình dục của một người, nên hiện tượng gay có thể do nhiều gen gây ra. Điều này sẽ khiến việc phát triển một dạng xét nghiệm di truyền về thiên hướng tình dục trở nên vô cùng khó khăn.
Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, các điều kiện trong bào thai cũng ảnh hưởng tới thiên hướng tình dục của đứa trẻ trong tương lai. Chẳng hạn như, một người đàn ông càng có nhiều anh trai, nguy cơ trở thành gay của anh ta càng cao. Hiện tượng này được cho là do, việc mang thai bé trai đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch ở người mẹ, tạo ra những kháng thể tấn công phần não liên quan đến thiên hướng tình dục của đứa trẻ chưa chào đời.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc tiếp xúc với các hoóc môn khi còn trong bụng mẹ hoặc cách nuôi dưỡng có thể đóng vai trò quan trọng trong thiên hướng tình dục của một người.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)