Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Suy thoái kinh tế làm suy giảm nhận thức...



Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí dịch tễ học và y tế cộng đồng (JECH) của Anh số ra ngày 20/11, những người từng trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế đúng vào thời kỳ sung sức nhất trong cuộc đời có nguy cơ suy giảm nhận thức khi về già.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Luxembourg, do nhà khoa học Anja Leist đứng đầu, đã tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn về sức khỏe và việc làm của 12.000 người ở độ tuổi 50 và trên 50 tại 11 quốc gia khu vực châu Âu.

Người tham gia được kiểm tra năm kỹ năng, trong đó có kỹ năng nhớ, kỹ năng nói và trình độ toán học.
Suy thoái kinh tế làm suy giảm nhận thức khi về già
Nam giới bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu họ trải qua thời kỳ kinh tế suy thoái khi ở độ tuổi 40. (Nguồn: Flickr)
Sau đó, nhóm chuyên gia phân tích kết quả kiểm tra này trong mối tương quan với số thời kỳ kinh tế suy thoái mỗi người gặp phải, cũng như thời điểm xảy ra các suy thoái.

Kết quả cho thấy nam giới bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu họ trải qua thời kỳ kinh tế suy thoái khi ở độ tuổi 40.

Trong khi đó, phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi suy thoái kinh tế xảy ra trong khoảng thời gian từ 25 đến 35 tuổi.

Bà Leist cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng người lao động trải qua những suy thoái kinh tế ở độ tuổi dễ bị ảnh hưởng (từ 25 tuổi đến 25 tuổi) có nguy cơ suy giảm nhận thức trong những năm sau của cuộc đời.

Ngoài ra, trí tuệ của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng sau những biến cố như bị sa thải, bị điều chuyển sang công việc bán thời gian, lương thấp hay bị giáng chức.

Những nghiên cứu trước đây về vấn đề này kết luận rằng, việc có một công việc tốt và hứng thú sẽ giúp tăng cường "dự trữ nhận thức" hay trí tuệ cho người lao động khi về già.

Tuy nhiên, "dự trữ nhận thức" của người lao động sẽ bị mất dần khi người lao động mất việc hay bị giáng chức.

5 loại dịch bệnh "xuyên thế kỷ" đáng sợ nhất...

5 loại dịch bệnh “xuyên thế kỷ” đáng sợ nhất


Dưới đây là 5 dịch bệnh đáng sợ nhất đã cướp đi rất nhiều sinh mạng trên toàn thế giới trong lịch sử phát triển của loài người.

Bệnh cúm

Virus cúm luôn biến đổi và có khả năng lây lan từ vật nuôi sang người. Các chủng virus cúm đã gây ra những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong thời gian vừa qua cướp đi hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
5 loại dịch bệnh “xuyên thế kỷ” đáng sợ nhất
Một bệnh viện cấp cứu trong thời gian dịch cúm năm 1918 tại trại Funsston, Kansas.
Trong lịch sử, năm 1918 đã xảy ra đại dịch cúm cướp đi sinh mạng khoảng 50 triệu đến 100 triệu người. Năm 2009 xảy ra đại dịch cúm lợn cũng làm chết hàng nghìn sinh mạng. Ngoài ra còn có bệnh cúm ở châu Á năm 1957, bệnh cúm ở Hồng Kông năm 1968.
Trong dịch cúm theo mùa, khoảng 15% dân số nhiễm bệnh do virus lây lan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh này xảy ra hằng năm nên dẫn đến tình trạng khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu người bị cúm nặng và khoảng 250 nghìn đến 500 nghìn ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

Bệnh SARS

SARS là chữ viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp nặng, được gây ra bởi coronavirus SARS. Lần đầu tiên virus này nhiễm vào cơ thể người là vào cuối năm 2002 ở Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, nó lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường du lịch hàng không. Virus SARS đã lây nhiễm sang khoảng 8.000 người trên toàn thế giới, trong đó khoảng 800 người tử vong.
5 loại dịch bệnh “xuyên thế kỷ” đáng sợ nhất
Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm coronavirus SARS đều phát triển bệnh viêm phổi. Virus lây lan qua sự tiếp xúc giữa người bị bệnh với người không bị bệnh. Việc truyền nhiễm được cho là qua chất dịch của bệnh nhân (đờm, nước mũi, nước bọt...) từ việc người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây lan khi chạm vào những vật dính chất dịch đó. SARS cũng có thể lây lan rộng hơn trong không khí.

HIV/AIDS

HIV là từ viết tắt của loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi vào cơ thể người, loại virus này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch, dẫn đến tình trạng gọi là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Nếu không có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị AIDS còn dễ bị mắc phải những tổn thương khác, thường gây ra nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Virus lây lan qua máu, tinh dịch và chất dịch cơ thể khác. Hầu hết những người nhiễm virus HIV đều qua quan hệ tình dục hoặc chia sẻ thuốc tiêm với người bị nhiễm.
Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, HIV đã lây nhiễm sang 60 triệu người và khiến khoảng 30 triệu người tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh (CDC), tại Hoa Kỳ, có khoảng 50 nghìn người bị nhiễm HIV mỗi năm. Vào cuối năm 2009, 1,1 triệu người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 18% những người bị bệnh này không biết họ bị nhiễm. Trên toàn thế giới, năm 2010, có khoảng 1,8 triệu trường hợp tử vong; năm 2011, có thêm khoảng 2,5 triệu trường hợp nhiễm HIV.

Bệnh sốt rét

Các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét Plasmodium vào máu của người thông qua việc muỗi đốt và chúng đi đến gan. Cuối cùng chúng thoát khỏi gan để xâm nhập vào máu, gây nhiễm các tế bào hồng cầu, và phá vỡ việc cung cấp máu đến các cơ quan khác.
Các bệnh sốt rét do muỗi gây ra từ thời cổ đại đến nay vẫn tiếp tục trở thành vấn đề của toàn cầu. Theo WHO, ở nhiều nơi trên thế giới, loài ký sinh trùng của căn bệnh này đã kháng với một số loại thuốc chống sốt rét.
Trong năm 2010, ước tính có khoảng 219 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm và 660 nghìn người chết vì sốt rét. Căn bệnh này phổ biến ở các vùng nhiệt đới như châu Phi, châu Á và châu Mỹ, trong đó khoảng 90% bệnh xảy ra trong khu vực châu Phi.

Bệnh lao

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Bệnh này được coi là “kẻ giết người” đứng thứ hai chỉ sau HIV/AIDS.
Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ tử vong do nhiễm lao đã giảm gần một nửa. Vào năm 2012, 8,6 triệu người bị nhiễm bệnh lao trong đó 1,3 triệu người chết. Hơn 95% các ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo WHO, mặc dù bệnh lao có thể chữa được, tuy nhiên điều đáng lo ngại của bệnh là chủng bệnh của nó có khả năng kháng hầu hết các thuốc đặc trị được phát hành rộng rãi ở tất cả các nước.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Nghiên cứu mới về "một thế giới không có con đực"

Phát hiện gây sốc về nhiễm sắc thể Y

Cập nhật lúc 08h48' ngày 26/11/2013
Thông qua những thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học Mỹ phát hiện, các cá thể đực vẫn có thể sinh sản dù bị loại bỏ gần hết các gene trên nhiễm sắc thể Y.
Nhiễm sắc thể (NST) là một cấu trúc có tổ chức của ADN và protein nằm trong các tế bào. Ở hầu hết động vật có vú, bao gồm cả con người, một cặp NST trong tế bào sinh dục sẽ quy định giới tính. Trong đó, con sẽ là giống đực nếu được thừa hưởng NST X của mẹ và NST Y của bố (cặp XY), và sẽ là giống cái nếu nhận NST X của mẹ và NST X của bố (cặp XX).
Vì vậy, NST Y lâu nay vẫn được coi là biểu tượng của tính đực ở động vật nói chung. Ở chuột, NST Y thông thường chứa 14 gene khác nhau, trong đó một số gene sẽ xuất hiện trong gần 100 bản sao khác nhau.
Phát hiện gây sốc về nhiễm sắc thể Y
Nhiễm sắc thể X và Y của người. (Ảnh: SPL)
Theo tạp chí Science, một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Hawaii (Mỹ) đã cô đọng mọi thông tin di truyền có trong một nhiễm NST Y thông thường của chuột vào trong 2 gene. Họ phát hiện, những con chuột bị biến đổi gene để sở hữu NST Y chỉ chứa 2 gene cốt yếu này vẫn phát triển bình thường và thậm chí có khả năng sinh con với sự trợ giúp của công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tiên tiến.
Giáo sư Ward - một thành viên nhóm nghiên cứu giải thích, các con chuột bị biến đổi gene chỉ có thể sản sinh tinh trùng ở giai đoạn phôi thai. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một dạng IVF tiên tiến, tiêm thông tin di truyền từ "con giống" ở giai đoạn đầu vào trứng, giúp cho ra đời các con non khỏe mạnh và có tuổi thọ như bình thường.
Ông Ward nói thêm rằng, hai gene thiết yếu vẫn được giữ lại trong NST Y của chuột là Sry - gene đóng vai trò kích hoạt quá trình hình thành con đực khi bào thai phát triển, và Eif2s3y - gene có liên quan đến các giai đoạn đầu tiên trong quá trình sản sinh tinh trùng. Các gene đã bị loại bỏ nhiều khả năng giúp sản sinh những tinh trùng khỏe mạnh.
Chuyên gia này nhận định, chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn NST Y nếu vai trò của 2 gene then chốt Sry và Eif2s3y có thể được tái tạo theo một cách khác, dù ý tưởng về một thế giới không có con đực nghe có vẻ "điên rồ".
Nhóm nghiên cứu tuyên bố, về mặt thực tiễn, khám phá của họ mở ra triển vọng một ngày nào đó có thể giúp những người đàn ông bị tổn hại NST Y thực hiện giấc mơ làm cha.
Bình luận về nghiên cứu trên, tiến sĩ Chris Tyler-Smith cho biết: "Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ về sinh vật học cơ bản. Nhưng có một điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là, các gene bị loại bỏ ở NST Y của chuột là cần thiết cho việc sinh sản tự nhiên của loài động vật này. Và như các tác giả đã cẩn trọng cảnh báo, khám phá của họ không thể ứng dụng trực tiếp cho người vì con người không có sự tương đồng trực tiếp với một trong 2 gene trọng yếu ở chuột".

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Thoát tội "hiếp dâm trẻ em" nhờ xét nghiệm ADN

Bố hiếp con đẻ tới có thai rồi đổ tội cho hàng xóm

Ngày 17 tháng 11 năm 2013
Tags: 

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Phát hiện nguy cơ mắc bệnh ung thư chính xác tới 99,5%

Phát hiện nguy cơ mắc ung thư nhờ công nghệ gen:
Chính xác đến 99,5%
Sau khi ngôi sao điện ảnh Mỹ Angelina Jolie quyết định phẫu thuật cắt bỏ ngực khi phát hiện mình mang gen đột biến BRCA1 có nguy cơ gây ung thư vú, rất nhiều người dân Việt Nam thắc mắc làm sao có thể phát hiện gen gây ung thư. Các chuyên gia cho biết, việc phát hiện này là nhờ vào công nghệ phân tích gen. Công nghệ này còn khá mới ở nước ta.
Độ chính xác cao
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) đang rất lo ngại về khả năng liệu mình có thể mắc bệnh ung thư vú không, do trong gia đình chị có đến 2 người là mẹ và dì chị đều bị ung thư vú. Chị nghe nói ở Việt Nam đã đưa vào áp dụng kỹ thuật phân tích gen để phát hiện sớm các đột biến gen gây nguy cơ ung thư, nhưng không biết công nghệ này thực hiện như thế nào.
 Ông Phan Hậu Long, Giám đốc, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty CP Dịch vụ Phân tích Di truyền Gentis cho biết, việc tầm soát bằng gen sẽ giúp phát hiện các đột biến di truyền có nguy cơ gây ra một số bệnh ung thư. Công nghệ này hiện rất phổ biến trên thế giới còn ở Việt Nam có thể coi là kỹ thuật mới, và cũng mới chỉ dừng lại ở phát hiện các gen có nguy cơ gây ung thư vú và ung thư máu.
Các nhà khoa học đã xác định các gen BRCA1, BRCA2 có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú. Nếu giải trình tự gen phát hiện có đột biến ở các gen này thì nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ là có thể và nguy cơ này sẽ ngày càng lớn theo tuổi tác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tầm soát ung thư bằng gen khá đơn giản. Sau khi lấy mẫu máu, các kỹ thuật viên sẽ đưa mẫu máu vào các máy chuyên dụng để “câu” đoạn gen có chứa các vị trí đột biến. Mẫu sau đó được đưa vào máy giải trình tự gen để xác định trình tự chính xác trên mỗi vị trí đột biến. Xác xuất của kỹ thuật này cho kết quả chính xác đến 99,5%, và kết quả sẽ có sau vài tiếng hoặc vài ba ngày (3 - 5 ngày) tùy vào nhu cầu của khách hàng.
Nếu gen không có vấn đề gì thì có thể loại bỏ nguy cơ gây bệnh do yếu tố di truyền. “Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ngay cả đối với người xác định là có đột biến trong các gen này thì cũng không có nghĩa là người đó sẽ mắc bệnh. Phải hiểu rằng, những người có đột biến gen có nguy cơ mắc bệnh cao chứ không phải cứ có gen này là mắc bệnh”, ông Long nhấn mạnh.
Nhờ gen để điều trị trúng đích
Ngoài gây ung thư do gen di truyền, một nguyên nhân gây ung thư khác là bởi những đột biến gen do tương tác giữa con người với môi trường, chẳng hạn như khói thuốc, ô nhiễm không khí, phóng xạ,... Ông Ngô Đức Phương, Phó giám đốc Gentis, cho biết, những nguyên nhân gây nguy cơ ung thư do đột biến này tuy không được tầm soát bằng gen, nhưng công nghệ gen vẫn có thể được ứng dụng phục vụ mục đích điều trị trúng đích ở các bệnh nhân ung thư. Kỹ thuật này được thực hiện trên mẫu u hoặc mẫu máu của người bệnh. Sau khi được phân tích trên máy giải trình tự gen sẽ xác định được các biến đổi về gen. Trong trường hợp có đột biến gen sẽ giúp bác sỹ có phác đồ điều trị trúng đích cho từng người, lựa chọn được đúng loại thuốc phù hợp để tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng tới các tế bào khác.
Hiện nay Gentis đang kết hợp với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để giải trình tự gen cho các bệnh nhân ung thư. Với các mẫu u hoặc mẫu máu của bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chuyển sang, các nhà phân tích gen sẽ đưa các mẫu này vào phân tích để xác định có đột biến gen EGFR, KRAS không, từ đó giúp bác sỹ có phác đồ điều trị “trúng đích”.
Box: Sau khi phẫu thuật cắt bỏ ngực, ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie vẫn có tới 50% khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng do mang gen BRCA1. Nữ diễn viên này có thể sẽ xem xét việc phẫu thuật cắt bỏ nốt buồng trứng để chấm dứt hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư.
may-giai-trinh-tu-gen-the-he-moi-xet-nghiem-adn
Máy giải trình tự gen thế hệ mới
Theo báo Khoa học & Đời sống

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

HỘI NGHỊ KHOA HỌC HÌNH SỰ CHÂU Á LẦN THỨ 5

HỘI NGHỊ KHOA HỌC HÌNH SỰ CHÂU Á LẦN THỨ 5

HỘI NGHỊ KHOA HỌC HÌNH SỰ CHÂU Á LẦN THỨ 5
Hội nghị khoa học thường niên của Mạng lưới Khoa học hình sự Châu Á – AFSN 2013 được diễn ra tại Singapore trong 4 ngày từ 11-14/13/2013. Hội nghị năm nay có sự tham gia của các chuyên gia pháp y hàng đầu, các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau trong khoa học hình sự đến từ 13 nước Châu Á, Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương. Hội nghị gồm các bài giảng, các hội thảo khoa học để các nhà nghiên cứu báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về 6 nội dung lớn bao gồm: Hội thảo về Điều tra các hoạt động tội phạm; Hội thảo về chất ma túy và các chất cấm; Hội thảo về Chất độc hại, Hội thảo về truy tìm bằng chứng dấu vết tội phạm, Hội thảo về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và Hội thảo về ADN.
Tham dự các cuộc hội thảo các chuyên gia hàng đầu sẽ chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp điều tra hoạt động tội phạm, về việc áp dụng công nghệ thiết bị mới vào hoạt động truy tìm dấu vết tội phạm, về sự xuất hiện, lạm dụng, phát hiện và kiểm soát với sự nổi lên nhanh chóng của các chất gây nghiện mới. Hội thảo về Đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn chất lượng gồm các bài giảng cung cấp kỹ năng, phương pháp và công cụ để đánh giá và nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý thông qua cải tiến, hành động khắc phục và hành động phòng ngừa (theo điều 4.10,4.11,4.12 tiêu chuẩn ISO/ICE 17025:2005) để giúp các phòng thí nghiệm làm việc hiệu quả và thành công hơn.
anh_doan_viet_nam_tham_gia_AFSN_2013 
Hình ảnh đoàn Việt Nam tham gia AFSN 2013
Riêng hội thảo về ADN năm nay có 41 bài báo cáo của các nhà khoa học đến từ 12 nước chia sẻ những thành tựu và kết quả của việc giám định ADN để xác định danh tính nạn nhân từ các thảm họa tự nhiên, ADN ti thể trong các vụ án hình sự, kết quả xây dựng thư viện ADN ở các nước. Đoàn Việt Nam cũng có bài báo cáo về những thành tựu và thách thức của việc giám định ADN trong khoa học hình sự tại Việt Nam những năm qua.Ngoài những bài báo cáo chia sẻ kinh nghiệm của các nước, các chuyên gia đến từ các hãng sản xuất thiết bị, hóa chất nổi tiếng về giám định ADN cũng có những bài giới thiệu về công nghệ mới của mình như: Máy giải trình tự gen trong phân tích pháp y thế hệ mới của Illumina, Quy trình phân tích ADN nhanh và tương lai của phân tích ADN nhanh của hãng GE Healthcare…Tạo cơ hội cho các nhà khoa học từ các nước tiếp cận được với những công nghệ mới nhất hiện nay.

 anh_doan_viet_nam_chup_anh_luu_niem_cung_chu_tich_Kim_Chung_Boon
Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng chủ tịch Kim Chung Boon

anh_ThS._Ngo_Duc_Phuong_Pho_giam_doc_Gentis_trao_doi_voi_ong_Kim_Chung_Boon
ThS. Ngô Đức Phương (phó giám đốc GENTIS) trao đổi với ông Kim Chung Boon
Bên cạnh những cuộc hội thảo khoa học, hội nghị còn tổ chức những chuyến tham quan du lịch Singapore cho các đoàn tham gia, các đoàn có thể lựa chọn đi tham quan các phòng thí nghiệm: phòng phân tích chất độc, phòng phân tích ma túy, phòng giám định ADN, Phòng vật lý và hóa học của cơ quan Khoa học Y tế Singapore, hoặc đi tham quan Vườn Lan quốc gia tại đây có hơn 3000 giống lan khác nhau hoặc tham gia các hoạt động khám phá đất nước Singapore khác.

 Nguyễn Dung - Gentis

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm - chỉ 20% là có kết quả chính xác

Dư luận những ngày qua rất quan tâm đến việc các gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ nhưng sau khi xét nghiệm ADN thì đó lại là xương động vật. Để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Ths Ngô Đức Phương – Phó Giám đốc Cty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền – GENTIS.
Thưa ông, Trung tâm xét nghiệm ADN của Gentis đã tiến hành xét nghiệm bao nhiêu hài cốt được tìm thấy nhờ các nhà ngoại cảm. Tỉ lệ đúng là bao nhiêu?
Khi khách hàng mang mẫu xương đến làm giám định ADN chúng tôi cũng có hỏi thì đa phần họ là nói do nhà ngoại cảm tìm giúp. Thời gian qua, Gentis đã thực hiện được tổng số 149 mẫu hài cốt, trong đó có 30 mẫu đúng (khoảng 20%), 114 mẫu không chính xác, đặc biệt có 5 mẫu không làm được (do không phải xương người, hoặc những mẩu xương đã mục nát hoàn toàn). Trong 30 trường hợp đúng thì đa phần là do các gia đình đã biết đó là ngôi mộ của người thân, nhưng lâu ngày không chắc chắn nên kiểm tra lại hoặc có trường hợp được đồng đội, hoặc chính quyền địa phương chỉ giúp vị trí chôn cất. Còn tìm được hài cốt thông qua nhà ngoại cảm thì cũng có đúng nhưng tỉ lệ rất ít.
Boc tran su that kinh hoang viec nha ngoai cam tim mo liet si
Thạc sỹ Ngô Đức Phương - PGĐ Công ty Gentis
Những gia đình khi nhận kết quả xét nghiệm ADN sai do tin vào nhà ngoại cảm thường họ có tâm trạng thế nào?
Tất cả mọi người khi nhận kết quả nếu không đúng thì rất buồn. Có nhiều trường hợp thông qua nhà ngoại cảm đã thờ cúng ngôi mộ từ nhiều năm nay, khi có điều kiện kinh tế đã mang mẫu xương đi giám định ADN nhưng kết quả không chính xác thì họ rất buồn, đau khổ vì họ lại phải tiếp tục một hành trình mới đi tìm hài cốt người thân.
Có người được nhà ngoại cảm chỉ chỗ, sau khi đào mộ nhận thấy hài cốt nhiều đặc điểm giống như hồi còn sống như: răng khểnh, gãy tay… hoặc qua giấy báo tử biết là đã bị cụt chân tay, thủng hộp sọ,… nhưng khi mang đi xét nghiệm ADN vẫn không đúng nên rất buồn. Còn có những gia đình có điều kiện, sau khi xét nghiệm ADN có kết quả không chính xác đã không tin liền chia ra nhiều mẫu mang đến xét nghiệm ADN ở một vài nơi. Chỉ đến khi các kết  quả đều như nhau thì lúc đó họ mới tin bộ hài cốt đó không phải là người thân của mình…. Chúng tôi cũng rất buồn khi phải ký những tờ két quả không chính xác trong sự thất vọng vô bờ của khách hàng.
Trước thực trạng nhiều gia đình mất tiền, mất sức tin vào nhà ngoại cảm để nhận về hài cốt giả, theo ông, cần đưa ra những khuyến cáo thế nào cho người dân?
Tìm kiếm hài cốt là vấn đề tâm linh rất nhạy cảm. Nếu tìm đúng hài cốt thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng không đúng sẽ là nỗi tuyệt vọng. Vì vậy, các gia đình đi tìm hài cốt cần hết sức tỉnh táo, không vì thế mà cứ ai nói gì cũng nghe, nhà ngoại cảm nào cũng tin được. Trước hết từ các thông tin của các nhà ngoại cảm, chúng ta phải luôn kết hợp với các thông tin thu thập được về nơi hy sinh, nơi chôn cất (sơ đồ), ai là người chôn cất, họ còn sống hay không,… cùng với các di vật người chết để lại.
Có nhiều trường hợp qua thông tin thu thập được là hy sinh ở 1 địa phương, nhưng nhà ngoại cảm lại chỉ ra địa điểm khác thì chúng ta cũng phải xem xét lại thông tin cho đúng. Hoặc người chết đã chết mấy chục năm rồi mà khi đào lên đôi dép còn mới, lọ đựng mẩu giấy được ghi bằng mực bút bi,… thì cũng cần xem lại. Hiện nay các nhà khoa học đã chứng minh xét nghiệm ADN là phương pháp hữu hiệu, chính xác gần như tuyệt đối để bóc mẽ các nhà ngoại cảm rởm.
Với máy giải trình tự gen thế hệ mới nhất Miseq, có thể tách được lượng ADN ty thể rất ít để phân tích
Hiện nay chi phí cho các xét nghiệm ADN còn quá đắt, dẫn đến nhiều gia đình không có đủ tiền làm xét nghiệm?
Chi phí làm giám định ADN tìm hài cốt liệt sỹ hiện nay là 7-11 triệu đồng là một khoản tiền tương đối lớn đối với một số gia đình. Vì chi phí để làm một xét nghiệm này cũng khá cao vì thường phải làm đi làm lại nhiều lần. Có những trường hợp sau khi làm đi làm lại nhiều lần mà không tách được ADN (vì mẫu quá mục nát, hoặc có thể không phải xương người) thì sẽ hoàn phí lại toàn bộ cho gia đình. Thực ra với chi phí đó cũng không phải là nhiều nếu so với toàn bộ chi phí mà gia đình phải bỏ ra để nhờ “thầy” tìm, chi phí đi lại, ăn ở, thủ tục,… Hơn nữa, việc xét nghiệm ADN mang lại sự bảo đảm tuyệt đối về độ chính xác khi nhận đúng hài cốt của người thân.
Trung tâm có chính sách miễn giảm nào cho các đối tượng tìm mộ liệt sĩ?
Trong một số trường hợp nếu gia đình có khó khăn thì chúng tôi sẽ hỗ trợ cho gia đình khoảng 20% tổng chi phí xét nghiệm. Các xét nghiệm mà không cho ra kết quả và hoàn trả lại toàn bộ tiền cũng là hình thức hỗ trợ cho gia đình. Hiện tại chúng tôi cũng đang chuẩn bị triển khai chương trình xét nghiệm ADN miễn phí 1.000 mẫu cho các thân nhân liệt sỹ để đưa vào ngân hàng ADN của công ty. Với kho dữ liệu này, sau này các gia đình có làm xét nghiệm ở đâu thì cũng có thể đến Gentis để so sánh kết quả tìm người thân của mình.
Xin cám ơn ông!

Xét nghiệm ADN để gọi tên chính xác các liệt sỹ
Ở các nước phát triển việc xác định danh tính cho các hài cốt bằng phương pháp giám định ADN đã áp dụng từ hàng chục năm nay. Công ty GENTIS có hệ thống các thiết bị và công nghệ tiên tiến đã triển khai dịch vụ giám định hài cốt liệt sỹ thông qua phân tích ADN ty thể, đặc biệt là máy giải trình tự gen thế hệ mới Miseq của hãng Illumina (Mỹ). ADN ty thể có giá trị trong khoa học hình sự và giám định hài cốt vì chỉ cần một lượng mẫu rất ít vẫn có thể tách chiết được ADN và nhân bội đạt kết quả phục vụ giám định. Chính vì vậy, trong các trường hợp mà mẫu giám định là xương, răng, tóc không còn gốc... chỉ có thể giải quyết được bằng giám định ADN ty thể. Chỉ cần lấy một lượng nhỏ xương hài cốt nghiền trong nitơ lỏng với thiết bị chuyên dụng để tách chiết ADN. Sau khi tách được ADN ty thể từ hài cốt tiến hành nhân bội (PCR) để thu được một lượng lớn ADN phục vụ cho việc giải trình tự. Sau khi giải được trình tự ADN ty thể của các mẫu cần giám định, các trình tự này được so sánh với nhau thông qua trình tự chuẩn Anderson để tìm ra mối quan hệ huyết thống.
GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Cần kết hợp giữa người có khả năng đặc biệt với giám định ADN"
Người thân liệt sỹ đi tìm hài cốt là việc làm tốt đẹp, là niềm đau đáu của những người mẹ của những người anh, em liệt sỹ. Họ tìm đến những nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt mong tìm được người thân. Âu đó cũng là điều chính đáng. Tuy nhiên, một số người tự xưng có khả năng đặc biệt này (nhà ngoại cảm rởm - PV) để trục lợi, làm điều táng tận lương tâm gây phản cảm trong xã hội. Chúng ta nên có sự phân biệt: Người có thành tâm, có khả năng đặc biệt (ngoại cảm thật) và người đội lốt (tự nhận có khả năng đó). Để làm được điều này, Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với lĩnh vực này, trong đó đưa ra những quy phạm pháp luật rõ ràng. Nhà nước từng có đề tài nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người nhưng chưa đưa ra kết luận. Theo tôi cần phải có kết luận, từ đó có những đề xuất, hướng quản lý lĩnh vực này như thế nào. Để không bị những nhà ngoại cảm rởm lừa đảo, người dân cần cảnh giác, cần kết hợp giữa người có khả năng đặc biệt với giám định ADN.
Đ.A (Báo Lao động & Đời sống, trang 18, số 31/2013)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Khoa học hình sự: khoa học của khoa học

Khoa học hình sự và những vụ án giết người
Người ta có thể tìm ra thủ phạm của một vụ án mạng từ một sợi vải. Ảnh: colourbox.com.
Những tên sát nhân cố dùng các mánh khóe mới để xóa dấu vết của chúng và đánh lừa cảnh sát. Nhưng chúng thường thất bại vì khoa học hình sự đã có những bước tiến vượt bậc.
Đã từ lâu, việc rửa tay để xóa tội đã trở nên vô dụng. Một kẻ giết người hiện đại kỳ cọ vết máu trên móng tay bằng hóa chất, nhặt từng mẩu thuốc lá rơi xuống nơi giết người, lau chùi cẩn thận để xóa tất cả các dấu tay và phủ chăn trên chiếc ô tô. Chúng đốt cả thân thể và trang phục của nạn nhân.
Jermaine McKinney đã làm đúng như thế trước đây gần 3 năm để che giấu vụ giết 2 mạng người trong bang Ohio của Mỹ. Sau khi giết một bà lão 70 tuổi và người con gái 45 tuổi trong nhà riêng của bà, gã bắt đầu xóa tang chứng một cách rất chuyên nghiệp. Gã đã biết trước phải làm như thế nào. Là người hâm mộ nhiều bộ phim hình sự hiện đại, gã biết rõ các phương pháp của khoa học hình sự và tự suy ngược lại là phải làm gì để không bị bắt.
Thời của phim hình sự Columbo đã qua
Những kẻ phạm tội không còn chỉ cố tránh đừng để lại dấu tay hay dấu chân như thời của bộ phim hình sự Columbo trong thập niên 1970 nữa. Bây giờ chúng phải chống lại cả một đạo quân chuyên gia, những người biết cách làm cho xác chết biết nói, so sánh thông tin thu thập được với lượng dữ liệu khổng lồ chỉ trong vòng vài giây và chỉ nhờ vào một vài tế bào mô mà có thể nhận dạng được thủ phạm và nạn nhân.
Những kẻ giết người như McKinney rất sợ bị phân tích gene. Điều này có nguyên do của nó: Trên lý thuyết, người ta chỉ cần một lượng máu, mồ hôi, nước bọt, tinh trùng rất nhỏ hay một vài phần tử da, một cọng tóc rơi để dựng lên "tiểu sử" của một cá nhân. Chi phí tối đa vào khoảng 50 euro.
McKinney đã dùng chất tẩy để rửa máu của nạn nhân trên tay của hắn và để phá hủy các DNA. Gã dùng chăn lót ô tô nhằm không để lại dấu vết nào từ nơi giết người trên xe của gã. Tên sát nhân đã hãm hiếp người phụ nữ trẻ tuổi hơn. Sau khi thỏa mãn thú tính, gã đốt các thi thể để xóa sạch dấu vết mồ hôi và tinh trùng.
Bể axít không còn hiệu nghiệm
Những kẻ giết người khác cũng thế. Chúng không những cướp đi mạng sống của nạn nhân mà còn cả danh tính của họ nữa. Chúng chặt thi thể nạn nhân ra cho đến khi không còn nhận dạng được nữa nhằm không để lại manh mối. Nhưng những nhân viên điều tra vẫn có khả năng "nhìn" được nhiều thứ. Thí dụ như họ vẫn có thể biết được nơi sinh sống của một người qua dấu tay địa hóa, ẩn trong răng, xương, tóc và móng tay. Nó được tạo thành qua thức ăn và nước uống – cũng giống như một thứ tiếng địa phương – có đặc tính nhất định tùy theo vùng và ấn một dấu vết không lẫn lộn được lên con người.
Phương pháp phân tích đồng vị này đã giúp nhận ra danh tính của người phụ nữ đã bị làm biến dạng hoàn toàn, được tìm thấy trong vùng Garmisch-Partenkirchen của Đức vào tháng 11 năm 2001. Dấu tay địa hóa của nạn nhân chỉ về Italy, nơi cảnh sát cuối cùng cũng phát hiện và bắt được kẻ giết người.
Tìm dấu vết không cần xác chết
Ngày nay, để truy tìm dấu vết hay DNA của nạn nhân, các nhân viên điều tra cũng không cần đến xác chết nữa. Họ chỉ cần bắt vài con bọ hay ruồi bám vào da thịt và đẻ trứng ở trên đó. Từ những thứ mà con giòi không tiêu hóa được, các chuyên gia vẫn có thể tìm thấy được gene của nạn nhân mà và cả kẻ phạm tội.
Trong trường hợp của cô Jennifer Haack, 16 tuổi, bị giết chết trong tháng 9/ 2002 ở Kiel, Đức, các nhân viên điều tra đã cố gắng lọc lại dấu tay sinh hóa của người đàn ông đã hãm hiếp và giết chết cô từ bao tử của những con giòi.
"Jennifer chỉ còn mang tất trên người. Người ta tìm thấy được nhiều ấu trùng của côn trùng quanh vùng âm hộ. Nếu phạm nhân để lại tinh trùng ở đó thì sẽ bị ấu trùng ăn ngay lập tức – tức là ăn ADN của gã" ông Kai Schlotfeldt, làm việc tại Sở cảnh sát Kiel, nói.
Côn trùng không đẻ trứng trên xác chết tại cùng một thời điểm mà theo một thứ tự nhất định. Người ta khám nghiệm từ 5 đến 10 loài côn trùng. Nhờ vào chúng mà trong vòng 2 đến 4 tuần đầu sau khi nạn nhân chết các chuyên gia có thể xác định được thi thể đã nằm ở đó bao nhiêu ngày.
Nhưng tại vụ án Jennifer Haack, cuối cùng thì cũng không cần đến những con giòi trong cuộc săn lùng thủ phạm. Một sợi vải trên quần lót của nạn nhân đã quyết định số phận của gã giết người. Nó rơi ra từ một cái áo khoác jean, kiểu cũ và nổi bật đến mức chẳng cần dùng kính lúp các điều tra viên vẫn nhìn thấy.
Thành công của khoa học hình sự
Nhờ vào những tiến bộ mới của khoa học hình sự mà các nhân viên điều tra thường đi trước những kẻ phạm tội. Trong tương lai, qua phân tích ADN người ta có thể biết nhiều hơn về đặc tính và vẻ ngoài của con người. Hiện tại các chuyên gia có thể xác định màu tóc và màu mắt với mức chắc chắn gần 100%. Dấu tay tiết lộ không chỉ danh tính của kẻ phạm tội. Từ mồ hôi đọng lại giữa những đường vân, các chuyên gia có thể qua phân tích hóa học mà "đọc" được một vài thói quen: Gã không ăn thịt? Có hút thuốc không? Có dùng thuốc trị bệnh hay thuốc phiện? Con người không chỉ khác nhau ở hệ gene hay dấu tay. Mỗi người còn có một mùi đặc trưng. Tại 200 người tham gia thí nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được trên 5.000 chất có mùi khác nhau, tuy thường gặp nhưng không phải người nào cũng có. Trong tương lai, nếu như có thể lọc lại được mẫu cơ bản cho mùi của mỗi một người thì những kẻ phạm tội sẽ phải nín thở khi gây án.
Cuối cùng, động cơ gây án lại có thể quyết định số phận của những kẻ giết người. Trong trường hợp của Jermaine McKinney đó là lòng tham. Gã đã sử dụng thẻ tín dụng của một trong số các nạn nhân. Bằng chứng kết tội gã là cái xà beng bằng sắt mà gã dùng để đập chết một trong hai người phụ nữ rồi ném xuống hồ sau đó. Nhưng vì hồ đã đông lại nên cây xà beng không chìm xuống nước. Sau khi nghe được thông tin này, chắc chắn nhiều tên sát nhân sẽ không tin tưởng nước nữa.

Phan Ba
(theo Bild der Wissenschaft)
Nguồn: Vnexpress.net