Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm - chỉ 20% là có kết quả chính xác

Dư luận những ngày qua rất quan tâm đến việc các gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ nhưng sau khi xét nghiệm ADN thì đó lại là xương động vật. Để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Ths Ngô Đức Phương – Phó Giám đốc Cty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền – GENTIS.
Thưa ông, Trung tâm xét nghiệm ADN của Gentis đã tiến hành xét nghiệm bao nhiêu hài cốt được tìm thấy nhờ các nhà ngoại cảm. Tỉ lệ đúng là bao nhiêu?
Khi khách hàng mang mẫu xương đến làm giám định ADN chúng tôi cũng có hỏi thì đa phần họ là nói do nhà ngoại cảm tìm giúp. Thời gian qua, Gentis đã thực hiện được tổng số 149 mẫu hài cốt, trong đó có 30 mẫu đúng (khoảng 20%), 114 mẫu không chính xác, đặc biệt có 5 mẫu không làm được (do không phải xương người, hoặc những mẩu xương đã mục nát hoàn toàn). Trong 30 trường hợp đúng thì đa phần là do các gia đình đã biết đó là ngôi mộ của người thân, nhưng lâu ngày không chắc chắn nên kiểm tra lại hoặc có trường hợp được đồng đội, hoặc chính quyền địa phương chỉ giúp vị trí chôn cất. Còn tìm được hài cốt thông qua nhà ngoại cảm thì cũng có đúng nhưng tỉ lệ rất ít.
Boc tran su that kinh hoang viec nha ngoai cam tim mo liet si
Thạc sỹ Ngô Đức Phương - PGĐ Công ty Gentis
Những gia đình khi nhận kết quả xét nghiệm ADN sai do tin vào nhà ngoại cảm thường họ có tâm trạng thế nào?
Tất cả mọi người khi nhận kết quả nếu không đúng thì rất buồn. Có nhiều trường hợp thông qua nhà ngoại cảm đã thờ cúng ngôi mộ từ nhiều năm nay, khi có điều kiện kinh tế đã mang mẫu xương đi giám định ADN nhưng kết quả không chính xác thì họ rất buồn, đau khổ vì họ lại phải tiếp tục một hành trình mới đi tìm hài cốt người thân.
Có người được nhà ngoại cảm chỉ chỗ, sau khi đào mộ nhận thấy hài cốt nhiều đặc điểm giống như hồi còn sống như: răng khểnh, gãy tay… hoặc qua giấy báo tử biết là đã bị cụt chân tay, thủng hộp sọ,… nhưng khi mang đi xét nghiệm ADN vẫn không đúng nên rất buồn. Còn có những gia đình có điều kiện, sau khi xét nghiệm ADN có kết quả không chính xác đã không tin liền chia ra nhiều mẫu mang đến xét nghiệm ADN ở một vài nơi. Chỉ đến khi các kết  quả đều như nhau thì lúc đó họ mới tin bộ hài cốt đó không phải là người thân của mình…. Chúng tôi cũng rất buồn khi phải ký những tờ két quả không chính xác trong sự thất vọng vô bờ của khách hàng.
Trước thực trạng nhiều gia đình mất tiền, mất sức tin vào nhà ngoại cảm để nhận về hài cốt giả, theo ông, cần đưa ra những khuyến cáo thế nào cho người dân?
Tìm kiếm hài cốt là vấn đề tâm linh rất nhạy cảm. Nếu tìm đúng hài cốt thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng không đúng sẽ là nỗi tuyệt vọng. Vì vậy, các gia đình đi tìm hài cốt cần hết sức tỉnh táo, không vì thế mà cứ ai nói gì cũng nghe, nhà ngoại cảm nào cũng tin được. Trước hết từ các thông tin của các nhà ngoại cảm, chúng ta phải luôn kết hợp với các thông tin thu thập được về nơi hy sinh, nơi chôn cất (sơ đồ), ai là người chôn cất, họ còn sống hay không,… cùng với các di vật người chết để lại.
Có nhiều trường hợp qua thông tin thu thập được là hy sinh ở 1 địa phương, nhưng nhà ngoại cảm lại chỉ ra địa điểm khác thì chúng ta cũng phải xem xét lại thông tin cho đúng. Hoặc người chết đã chết mấy chục năm rồi mà khi đào lên đôi dép còn mới, lọ đựng mẩu giấy được ghi bằng mực bút bi,… thì cũng cần xem lại. Hiện nay các nhà khoa học đã chứng minh xét nghiệm ADN là phương pháp hữu hiệu, chính xác gần như tuyệt đối để bóc mẽ các nhà ngoại cảm rởm.
Với máy giải trình tự gen thế hệ mới nhất Miseq, có thể tách được lượng ADN ty thể rất ít để phân tích
Hiện nay chi phí cho các xét nghiệm ADN còn quá đắt, dẫn đến nhiều gia đình không có đủ tiền làm xét nghiệm?
Chi phí làm giám định ADN tìm hài cốt liệt sỹ hiện nay là 7-11 triệu đồng là một khoản tiền tương đối lớn đối với một số gia đình. Vì chi phí để làm một xét nghiệm này cũng khá cao vì thường phải làm đi làm lại nhiều lần. Có những trường hợp sau khi làm đi làm lại nhiều lần mà không tách được ADN (vì mẫu quá mục nát, hoặc có thể không phải xương người) thì sẽ hoàn phí lại toàn bộ cho gia đình. Thực ra với chi phí đó cũng không phải là nhiều nếu so với toàn bộ chi phí mà gia đình phải bỏ ra để nhờ “thầy” tìm, chi phí đi lại, ăn ở, thủ tục,… Hơn nữa, việc xét nghiệm ADN mang lại sự bảo đảm tuyệt đối về độ chính xác khi nhận đúng hài cốt của người thân.
Trung tâm có chính sách miễn giảm nào cho các đối tượng tìm mộ liệt sĩ?
Trong một số trường hợp nếu gia đình có khó khăn thì chúng tôi sẽ hỗ trợ cho gia đình khoảng 20% tổng chi phí xét nghiệm. Các xét nghiệm mà không cho ra kết quả và hoàn trả lại toàn bộ tiền cũng là hình thức hỗ trợ cho gia đình. Hiện tại chúng tôi cũng đang chuẩn bị triển khai chương trình xét nghiệm ADN miễn phí 1.000 mẫu cho các thân nhân liệt sỹ để đưa vào ngân hàng ADN của công ty. Với kho dữ liệu này, sau này các gia đình có làm xét nghiệm ở đâu thì cũng có thể đến Gentis để so sánh kết quả tìm người thân của mình.
Xin cám ơn ông!

Xét nghiệm ADN để gọi tên chính xác các liệt sỹ
Ở các nước phát triển việc xác định danh tính cho các hài cốt bằng phương pháp giám định ADN đã áp dụng từ hàng chục năm nay. Công ty GENTIS có hệ thống các thiết bị và công nghệ tiên tiến đã triển khai dịch vụ giám định hài cốt liệt sỹ thông qua phân tích ADN ty thể, đặc biệt là máy giải trình tự gen thế hệ mới Miseq của hãng Illumina (Mỹ). ADN ty thể có giá trị trong khoa học hình sự và giám định hài cốt vì chỉ cần một lượng mẫu rất ít vẫn có thể tách chiết được ADN và nhân bội đạt kết quả phục vụ giám định. Chính vì vậy, trong các trường hợp mà mẫu giám định là xương, răng, tóc không còn gốc... chỉ có thể giải quyết được bằng giám định ADN ty thể. Chỉ cần lấy một lượng nhỏ xương hài cốt nghiền trong nitơ lỏng với thiết bị chuyên dụng để tách chiết ADN. Sau khi tách được ADN ty thể từ hài cốt tiến hành nhân bội (PCR) để thu được một lượng lớn ADN phục vụ cho việc giải trình tự. Sau khi giải được trình tự ADN ty thể của các mẫu cần giám định, các trình tự này được so sánh với nhau thông qua trình tự chuẩn Anderson để tìm ra mối quan hệ huyết thống.
GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Cần kết hợp giữa người có khả năng đặc biệt với giám định ADN"
Người thân liệt sỹ đi tìm hài cốt là việc làm tốt đẹp, là niềm đau đáu của những người mẹ của những người anh, em liệt sỹ. Họ tìm đến những nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt mong tìm được người thân. Âu đó cũng là điều chính đáng. Tuy nhiên, một số người tự xưng có khả năng đặc biệt này (nhà ngoại cảm rởm - PV) để trục lợi, làm điều táng tận lương tâm gây phản cảm trong xã hội. Chúng ta nên có sự phân biệt: Người có thành tâm, có khả năng đặc biệt (ngoại cảm thật) và người đội lốt (tự nhận có khả năng đó). Để làm được điều này, Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với lĩnh vực này, trong đó đưa ra những quy phạm pháp luật rõ ràng. Nhà nước từng có đề tài nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người nhưng chưa đưa ra kết luận. Theo tôi cần phải có kết luận, từ đó có những đề xuất, hướng quản lý lĩnh vực này như thế nào. Để không bị những nhà ngoại cảm rởm lừa đảo, người dân cần cảnh giác, cần kết hợp giữa người có khả năng đặc biệt với giám định ADN.
Đ.A (Báo Lao động & Đời sống, trang 18, số 31/2013)

Không có nhận xét nào: