Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

xét nghiệm ADN giúp phát hiện sớm ung thư

VN có thể xét nghiệm gen ung thư như của Angelina Jolie

(Kienthuc.net.vn) - Việc chẩn đoán phát hiên ung thư vú sớm từ gen di truyền trong cơ thể đã tạo ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư trong quá trình chẩn đoán và điều trị và tái tạo lại vòng một.
 

Phát hiện ung thư vú từ gen di truyền là một phương pháp hiện đại mà một số nước trên thế giới đang áp dụng và đạt được một số thành công.

Mới đây nhất là trường hợp của minh tinh Hollywood Angelina Jolie, người đã phát hiện mang gen đột biến gây ung thư vú và buồng trứng BRCA1 trong cơ thể và đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ngực.

Việc phát hiện ung thư sớm trong cơ thể từ gen đột biến BRCA1 và BRCA2 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhân ung thư trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Việt Nam đang thử nghiệm xét nghiệm phát hiện gen BRCA1

Trao đổi với Kiến Thức, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Lực, Bệnh viện K, cho biết, hiện nay công nghệ chẩn đoán để phát hiện ung thư từ gen đã có ở Việt Nam đã có nhưng đang trong quá trình thử nghiệm để đưa vào ứng dụng.

Hiện nay, phát hiện và chẩn đoán ung thư vú chủ yếu vẫn dựa vào một số phương pháp truyền thống như: sờ, nắn ngực theo kinh nghiệm; sử dụng các kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp...

Nếu được áp dụng, phương pháp tầm soát gen BRCA1 có rất nhiều ưu thế so với các phương pháp truyền thống. Nó có thể cho biết kết quả nhanh nhất khi tế bào đang bắt đầu hình thành, từ đó có thể có những phác đồ điều trị bệnh sớm nhất, chứ không cần phải đợi đến khi bệnh phát triển thì mới có thể phát hiện như phương pháp siêu âm cũng như chụp cắt lớp.

Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Lực cho biết thêm, phương pháp xét nghiệm này đòi hỏi công nghệ chuẩn xác đến từng chi tiết và phát hiện từ khi mới đang có dấu hiệu hình thành nên việc đưa vào sử dụng đại trà trong bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo một nguồn tin, chi phí khám và chẩn đoán gen BRCA1 có giá cao hơn gấp hàng chục lần so với các phương pháp thông thường. 

Công nghệ chẩn đoán này trong tương lai sẽ phát triển để phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư khác trên cơ thể chứ không riêng gì ung thư vú. Nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể được thực hiện các biện pháp can thiệp hợp lý để ngăn chặn sự phát triển của bệnh như: phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu, miễn dịch trị liệu …
 Ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ước tính là 17,4/100.000 dân và đây cũng là căn bệnh đứng hàng đầu trong số những căn bệnh ung thư ở phụ nữ.

Cắt và tái tạo ngực sau điều trị ung thư

Theo các bác sĩ, phẫu thuật là phương pháp thường được lựa chọn nhất đối với các bệnh nhân ung thư, trong đó có phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú ở bệnh nhân ung thư vú. 

Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ khối u đơn thuần hoặc toàn bộ cơ quan. Khi một tế bào ung thư phát triển thành một khối u khá lớn, việc chỉ cắt bỏ khối u đơn thuần dẫn đến tăng nguy cơ tái phát. Khi đó, bờ của mô lành cũng thường được cắt bỏ để đảm bảo toàn bộ mô ung thư được loại bỏ.

Ngày nay, sự phát triển của y học ngày càng cao nên việc tái tạo lại bầu ngực sau khi phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp khả thi. Theo các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện ở Hà Nội, việc tái tạo ngực giúp người bệnh xoá được mặc cảm, có sự tự tin để hoà nhập với cụôc sống bình thường và đảm bảo được chất lượng của cuộc sống.

Việc tái tạo bầu ngực không làm gia tăng tỉ lệ tái phát, cũng như không làm kéo dài thời gian điều trị hỗ trợ trong ung thư vú. Đây là phẫu thuật lớn, có nhiều giai đoạn nên cần sự hiểu biết và sự hợp tác tốt của bệnh nhân. Thời điểm thuận lợi để thực hiện việc tái tạo vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, điều trị hổ trợ sau cắt bỏ u vú…

Tuỳ từng trường hợp mà tái tạo vú được thực hiện ngay sau khi cắt bỏ vú (gọi là tái tạo vú tức thì) hoặc sau khi cắt bỏ vú khoảng 6 tháng đến 1 năm (gọi là tái tạo vú trì hoãn).

Có thể tái tạo vú bằng vật liệu tổng hợp: Tái tạo vú bằng các loại túi độn nước muối sinh lý hoặc túi silicon dạng gel. Túi độn ngực có thể được đặt ngay dưới phần mô mềm còn lại sau cắt bỏ vú hoặc sau khi đã đặt túi giãn da.

Tái tạo vú bằng vật liệu tự thân: Vú được tái tạo bằng chính một phần mô mềm của bệnh nhân. Có nhiều kỹ thuât khác nhau: Tái tạo vú bằng cấy mỡ tự thân; tái tạo vú bằng vạt da cơ lưng rộng, vạt da – cơ thẳng bụng, da cơ mông…

Tuỳ theo phương pháp mà thời gian phẫu thuật từ 1- 6 giờ. Thời gian nằm viện thường từ 2 – 7  ngày.

Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Lực cũng cho biết, việc phẫu thuật bộ phận này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như chi phí, độ rủi do khi gặp phải trong quá trình phẫu thuật, tâm lý người bệnh và đặc biệt việc phẫu thuật này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với phụ nữ chưa sinh con và hạnh phúc gia đình.

Bác sĩ Lực cũng khuyến cáo trước khi quyết định phẫu thuật bộ phận này cần phải có suy nghĩ cũng như có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Ở Việt Nam việc phát hiện ra ung thư vú từ xét nghiệm gen là điều hoàn toàn mới và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm chứ chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế nhiều bác sĩ điều trị ung thư vú cho biết, rất khó dự đoán liệu bệnh nhân khi phát hiện gen này có "dám" phẫu thuật cắt bỏ bầu ngực để ngăn chặn nguy cơ.

Theo các bác sĩ, việc cắt bỏ cũng như tái tạo lại một bộ phận nào đó trên cơ thể khi bị bệnh là điều không phải bệnh nhân nào cũng dám làm. Thông thường, bệnh nhân nữ Việt Nam không muốn cắt bỏ ngực có những tâm lý lo ngại sau: lo bị chồng "chê", sợ "dao kéo", lo lắng mặc cảm, bị kỳ thị, không tin tưởng vào phẫu thuật tái tạo hoặc lo ngại sau tái tạo sẽ có tai biến...

Mặt khác, với thu nhập của người dân hiện nay, không phải ai cũng chịu được chi phí cắt bỏ và tái tạo, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Vì những lý do trên, phần lớn bệnh nhân ung thư vú chỉ phẫu thuật cắt bỏ ngực khi bác sĩ chỉ định và sau khi đã được tư vấn rất kỹ về các nguy cơ nếu không phẫu thuật.

Không có nhận xét nào: